Ngày Thngay-chôl-rông-ka Lễ cưới (người Khmer)

Lễ nhập gia

Sau lần đầu đem trầu cau, bánh trái mỗi thứ đủ đôi, trao một số tiền cho bên đàng gái, tặng đồ kỷ niệm cho cô dâu xin cầu hôn và quyết định ngày cưới. Buổi sáng ngày bắt đầu lễ cưới, gia đình đàng trai đưa chú rể đến nhà cô dâu làm lễ nhập gia gọi là Pithi-đong-he-kôn-prốs-tâu-kanh-khang-srây, dưới sự hướng dẫn của ông Achar, hai ông Maha Tếp và Maha Montrey. Bên cạnh chú rể còn có họ hàng thân tộc và một số thanh niên nam nữ trong phum sóc mang các mâm lễ vật:

  • Đầu heo
  • Vịt luộc
  • Rượu nếp
  • Bánh mứt
  • Trái cây
  • Trầu cau
  • Mâm đựng buồng hoa cau non Phka-sla (bắt buộc phải có).

Cùng đàng trai đến còn có dàn nhạc dây "Vong-phlêng-ka" tăng thêm phần không khí vui tươi trong ngày cưới.

Nghi thức mở rào

Hôm đó, nhà đàng gái phải rào kín cổng, (nếu nhà không có cổng rào, thì sử dụng cổng rạp cưới dựng phía trước) tượng trưng cho sự trong trắng của người con gái trưởng thành. Đến cổng nhà, chú rể muốn bước vào thì ông Maha phải bày mâm lễ vật dâng đàng gái và múa đủ ba điệu để nói lời cầu xin "Pithi-bơk-rôbong". Khi cổng rào mở, mẹ cô dâu ra đón và một cháu bên đàng gái bưng nước trà mời chú rể uống thì bên đàng trai mới được vào nhà làm lễ tiếp.

Nghi lễ cúng ông bà tổ tiên

Tiến hành dưới sự hướng dẫn của ông Maha là "Pithi-sene-chas-tum". Chú rể ngồi bên tay trái ông Maha, cô dâu ngồi đối diện với các vị sư làm lễ. Sau khi tụng kinh chúc phúc, bên đàng trai dâng bánh trái cho ông bà và cha mẹ cô dâu. Lễ nghi này có ý nghĩa tượng trưng sự đền ơn công sinh thành nuôi dưỡng cô dâu.

Nghi thức dâng lễ vật

Pithi-chun-com-nóth là nghi thức bắt buộc trong lễ cưới của người Khmer. Sau khi làm lễ nhập gia, đúng vào giờ tốt, ông Maha cùng gia đình chú rể bày các lễ vật mang đến trình gia đình cô dâu xem có đầy đủ không? Khi họ hàng nhà đàng gái thuận thảo thì tiến hành các bước lễ chính tiếp theo để kết thúc.

Lễ cắt hoa cau

Pithi-kách-khanh-sla gia đình hai bên dẫn dắt cô dâu và chú rể ngồi làm lễ sánh duyên cho đôi vợ chồng mới cưới, dưới sự chủ trì của ông Maha. Trước khi cắt buồng hoa cau non, ông Maha múa điệu "Rom-bơk-bai-srây" có ý nghĩa là họ hàng đôi bên đã chính thức cho phép hai người kết duyên thành vợ thành chồng. Ông Maha cắt lấy hoa cau trắng rắc lên tân lang, tân nương và rắc từ chỗ ngồi cho đến đường đi vào buồng tân hôn để chúc phúc đôi uyên ương.

Lễ cột tay

Pithi-chon-đay họ hàng hai bên chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ sống trăm năm bằng cách lấy sợi chỉ hồng cột tay chú rể trước rồi đến cô dâu. Họ đàng trai cột tay phải cô dâu và chú rể, họ đàng gái cột tay trái chú rể và cô dâu, dưới sự chủ trì của ông Maha.

Sau lễ cột tay, đôi vợ chồng dắt nhau vào buồng tân hôn, người chồng nắm vạt áo "Sbai" của người vợ theo sau. Nghi lễ này bắt nguồn từ truyền thuyết "Pres-Thôn Neang-Neath" được dân gian kể rằng: Hoàng tử Pres-Thôn cưới nàng công chúa Thera-Wath-Tây con gái của Long Vương. Do trên đường về thủy cung, hoàng tử là người trần gian không thể nào đi được dưới nước. Nhờ trí thông minh của công chúa Rắn nghĩ ra cách cho chồng nắm lấy vạt áo của nàng theo đường rẽ nước về long cung.

Xong thủ tục ấy, cô dâu và chú rể thay y phục ra ngoài đón khách đến dự tiệc cưới. Tối đến, có nơi còn tổ chức lễ chung giường cho đôi vợ chồng mới. Thường nhà gái chọn hai người đàn bà đứng tuổi có gia đình hòa thuận và khá giả để trải chiếu mới lên giường. Dọn một ít bánh trái, nước ngọt, trầu cau, nhang đèn cúng tổ tiên rồi cho hai vợ chồng cùng ăn như đút cho nhau chuối, chia nước dừa cho nhau để tình yêu đậm đà hơn. Ăn xong, hai người vào buồng tân hôn, cô dâu đi trước và chú rể theo vào sau.